Ông Trần Công Nho sinh ra và lớn lên ở vùng cát Tam Hòa, sống chủ yếu bằng nghề đánh cá trên sông biển, nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có vốn để sắm mới tàu thuyền vươn khơi, ông quyết tâm học nghề đóng tàu thuyền để kiếm kế sinh nhai. Học xong nghề, ông vào tận huyện Trị Hải, tỉnh Ninh Thuận làm ăn và ngày càng khấm khá. Nhận thấy ở vùng quê Tam Hòa còn nhiều khó khăn, không ít lao động thiếu việc làm, năm 2000, ông Trần Công Nho quyết định trở lại quê nhà mở cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền tại thôn Hòa Bình. Ban đầu, đồng vốn ít ỏi, cơ sở gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng quyết tâm và tay nghề cứng cáp của mình cùng với sự hỗ trợ của địa phương, ông Nho đã vươn lên xây dựng cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền ngày càng phát triển.
Ông Trần Công Nho chia sẻ: “Ban đầu cơ sở tôi chỉ nhận những chiếc ghe nhỏ tại địa phương để sửa chữa, dần dà với sự nỗ lực của bản thân và có đội thợ lành nghề nên không lâu sau, cơ sở chúng tôi đã nhận đóng các tàu thuyền ở các xã lân cận như Tam Tiến, Tam Giang...Từ đó tôi quyết định mở rộng, nâng cấp mặt bằng và xây dựng hệ thống ròng rọc để thuận tiện cho việc sửa chữa, đóng mới tàu thuyền...”
Ông Trương Công Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết: “Với sự cố gắng của mình, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền của ông Trần Công Nho đã có chỗ đứng trên thị trường và thực tế cơ sở đã nhận đóng mới nhiều chiếc tàu thuyền có công suất lớn trên địa bàn Núi Thành và các tỉnh thành khác...Cơ sở góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho một số lao động, cùng với địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Ông Trần Công Nho cho biết: Không dừng lại ở quy mô hiện có, để có điều kiện tiếp cận các dự án lớn về đóng mới và nâng cấp tàu thuyền theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, năm 2014, tôi nâng cấp, mua thêm trang thiết bị đảm bảo đóng tàu có công suất trên 600CV và mở rộng cơ sở để thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Truyền Tin, tuyển thêm lao động vào làm việc. Hiện nay, Công ty hoạt động ổn định và tạo việc làm thường xuyên cho 15 đến 20 lao động, với thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong điều kiện giá cả vật tư luôn biến động, nhất là nguyên liệu gỗ phục vụ cho đóng tàu, bên cạnh đó, nhu cầu về kỹ thuật đóng tàu thuyền của ngư dân ngày càng cao nhưng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Truyền Tin chuyên đóng mới, sữa chữa tàu thuyền tại xã Tam Hòa vẫn trụ vững và thương hiệu của cơ sở trên thị trường ngày càng được nhiều ngư dân biết đến thể hiện sự nỗ lực của chủ cơ sở cùng đội ngũ thợ đóng thuyền nơi đây.
Tuy nhiên, trong thời gian đến theo mong muốn của ông Trần Công Nho – Chủ cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Truyền Tin tại xã Tam Hòa là chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về nguồn vốn vay ưu đãi, cơ sở vật chất, các cơ chế, chính sách để cơ sở tiếp tục phát triển ổn định, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Văn Phin