Làng Vĩnh An trước kia là vùng đất đầm lầy, sũng hói, không dấu chân người. Thuở lập làng “Phước An Tây” để tưởng nhớ tôn vinh công đức các vị thủy tổ đến trước cũng như đến sau (năm 1863), cộng đồng 30 Tộc phái đã đồng tâm hiệp lực xây dựng nhà thờ làng, trước để thờ cúng tôn vinh công đức các vị có công khai thiên lập địa, sau dùng làm nơi quy tụ cộng đồng các Tộc phái để bàn việc làng nước, nhắc nhở cộng đồng giữ gìn truyền thống thuần phong mỹ tục của quê hương. Nhà thờ được làm bằng tre lá sơ sài, tạm bợ; đến nay đã bị hư hại đổ nát nhiều, tuy vậy qua nhiều lần tu sửa vẫn giữ được dấu vết di tích của Tiền nhân lưu lại.
Theo tiếng gọi Nam tiến của các triều đại phong kiến như nhà Hồ, nhà Lê cùng với cuộc di dân từ phương Bắc vào phương Nam để khai phá những vùng đất mới và định cư lâu dài và tạo phên dậu vững chắc cho phía Nam của Đại Việt. Bắt đầu từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, một bộ phận dân cư ở phía Bắc đã di cư vào Nam, chọn đất khai phá, khẩn hoang, lập nên những làng xã mới để an cư lạc nghiệp. Trong bối cảnh lịch sử đó có 2 vị Tổ xuất xứ từ đất Nghệ An đứng ra lập Đoàn, quy tụ một số con cháu trong hai tộc và con cháu nhiều tộc khác theo đường bộ, đường thủy (chủ yếu là đường thủy) đi xuống phương Nam. Đến đất Quảng Nam dừng chân trên vùng đất cát Thăng Bình, một bộ phận còn lại trong đoàn chia 2 tốp theo ông Mai Văn Tượng và ông Nguyễn Tấn Thích xuôi dòng sông Bàn Thạch (sông Đầm) tiếp giáp sông Trường Giang, đi thêm một đoạn đường dài. Tốp người đi theo ông Mai Văn Tượng và ông Nguyễn Tấn Thích xuôi dòng Trường Giang đặt chân lên xứ đất Hà Ngoãn kẹp giữa 2 con sông Trường Đồng – Trà Lý và sông Tam Kỳ; phù sa hai con sông đó đã bồi đắp tạo thành bãi đầm lầy, khe lạch, cắt ngang dọc bãi đất ra thành nhiều rẻo vẫn hoang sơ, chỉ có cây tràm, cây chồi, lau, sậy,… và bãi điệp trắng phơ. Tốp người đi theo ông Nguyễn Tấn Thích ngược dòng sông Tam Kỳ tạm dừng lại ở làng Phú Ninh bên bờ sông Tam Kỳ, thấy nơi đó sông sâu, vực thẳm, đất đai khô cằn, sinh kế không tiện lợi, phải vội xuôi dòng sông Tam Kỳ, Trường Giang đến bãi bồi xứ đất Hà Ngoãn dừng lại, tái hợp lại giữa 2 tốp người và bắt đầu tìm kiếm rẻo đất bằng phẳng cao ráo hơn (nay gọi là xóm Bình) để định cư lâu dài, tạo kế sinh nhai;
Từ rẻo đất đó, người đi trong 2 tốp tự phân tán, luồn lách theo từng khe lạch, tìm chọn những gò đất cao, dùng cây lá tại chỗ dựng chòi, trại che nắng che mưa, ngăn dòng khe lạch, đắp đập, đào ao đánh bắt tôm cá, hái lượm rau quả tự nhiên, để giải quyết bữa ăn đắp đổi qua ngày, kéo dài theo năm tháng. Tiếp đến là chặt phá cây cối, vỡ đất khai hoang, trồng tỉa rau màu. Công cuộc khẩn hoang thuở ban đầu của tổ tiên cha ông ta phải mất đi hàng trăm năm, tốn biết bao công sức mới biến những bãi điệp trắng xóa, bãi tràm, chổi, lau sậy thành nương ruộng bằng phẳng, màu mở để trồng tỉa cây lương thực. Số hoa màu thu lượm được buổi ban đầu quá ít, không đủ nuôi con cháu. Khi cuộc sống vẫn còn tạm bợ, các chòi trại ở lẻ loi, sống thoi thóp dọc theo những khe lạch, sau đó được gom lại thành từng cụm, hình thành khu cư dân 8 xóm để lấy sức mạnh cộng đồng chống lại thiên nhiên rất khắc nghiệt, để bảo vệ sự sinh tồn. Tiếp đến các vị trưởng lão các dòng tộc trong 8 xóm tụ tập lại lập làng, đặt tên làng “Phước An Tây” và dựng nhà thờ làng tại xóm Bình An để thờ cúng, tôn vinh công đức tất cả những người đầu tiên đặt chân lên xứ Hà Ngoãn đã quá cố.
Đến triều Vua Gia Long (1802), các dòng họ ở xứ Hà Ngoãn đều có cháu 7 đời. Tổng diện tích khai khẩn đất hoang thành điền địa là 759 mẫu. Niên đại Gia Long thứ 13 (1814) kê khai tất cả điền thổ, các vị trưởng tộc phái cùng đứng tên lập châu bộ Gia Long và đổi tên làng “Phước An Tây” thành làng “Bảo Phước”. Mãi đến triều Vua Tự Đức năm thứ 3 (1850), đổi tên làng “Bảo Phước” thành tên làng “Vĩnh An” và ghi tên làng Vĩnh An vào bản đồ hành chính. Vào năm 1945, nhà thờ làng trở thành trung tâm kháng chiến xã Vĩnh An, là cơ sở thoát nạn mù chữ và đây cũng nơi học tập, hoạt động cách mạng của các đồng chí như: đồng chí Nguyễn Thế Lai, đồng chí Đỗ Thế Chấp và đồng chí Đỗ Thế Vinh do thầy giáo Hoàng dạy. Hiện nay, con trai của thầy giáo Hoàng là ông Nguyễn Tấn Viện hiện là tiến sĩ trường đại học y khoa Huế (đã về hưu).
Ngoài giá trị lịch sử, ngôi nhà còn có nhiều giá trị về kiến trúc. Nhà thờ làng Vĩnh An là công trình kiến trúc có niên đại xây dựng từ sớm gồm 4 gian với diện tích 56m2 (dài 8m, rộng 7m), mái nhà thờ lợp ngói giồng, xòe rộng ra 4 quyết, trên mỗi huyết được đặt 4 lá dao (điển tích ông bà để lại), những cạnh mái gặp nhau các đường bờ nóc được đắp cao như những đường gân chắc chắn với lối trang trí hình rồng cân đối tạo nét uyển chuyển làm cho bộ mái trở nên sinh động. Nâng đỡ toàn bộ phần mái và các bộ phận khác là hệ thống cột gồm 4 hàng cột ngang, 4 hàng cột dọc bằng gỗ mít, các cột được kê trên hệ thống chân tảng bằng đá. Nhà thờ có 2 cửa chính và 4 cửa phụ, trên bệ thờ con cháu thờ 30 Tộc, trong đó thờ 2 ông Mai Văn Tượng và ông Nguyễn Tấn Thích ở giữa.
Nhà thờ làng Vĩnh An đã in đậm dấu ấn lịch sử một thời, là di sản văn hóa của tổ tiên để lại và cũng là ngôi nhà chung của 30 Tộc họ, được quyền thừa hưởng và tự hào về một vùng quê Vĩnh An trù phú. Từ ngày xây dựng đến nay, trải qua bao thế hệ nhà thờ làng đã trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của bà con, hằng năm thường tổ chức tế lễ tổ, để ôn lại truyền thống của cha ông xưa và giáo dục con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn và cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc và địa phương. Nhà thờ làng được đánh giá là một nhà thờ mang nét kiến trúc cổ. Đó là kết tinh của một thời khai khẩn lập nghiệp của ông bà tổ tiên nơi đây. Và hôm nay, trước thách thức của thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa với những nét kiến trúc mới, thì nhà thờ của 30 Tộc này vẫn luôn giữ gìn được giá trị xưa.
Minh Lý